Sau bốn tháng tranh tài sôi động tại các vòng thi của Innovative Generation 2021 (IG 2021), ai là ứng cử viên sáng giá nhất giành giải Ý tưởng công nghệ xuất sắc? Hãy cùng điểm danh top 9 đề tài sẽ bước vào vòng chung kết của cuộc thi:

1/ Công nghệ GIS cho Giáo dục Di sản 

Sản phẩm của tác giả Phan Thị Hoa Lợi (THPT Cam Lộ, Quảng Trị) nhằm phục vụ đắc lực cho việc hỗ trợ phát triển du lịch và giáo dục di sản trong nhà trường thông qua các môn học; đây là một hệ thống thông tin thống, khoa học, ngắn gọn nhưng đầy đủ về các di sản. Với các công nghệ GIS, hình ảnh đa phương tiện 3D, flycam giúp người sử dụng, khai thác tránh được sự nhàm chán, gây hứng thú và tiện lợi; sử dụng các Apps ở bất cứ đâu chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng kết nối Internet. 

2/ Ứng dụng Deep Learning vào quá trình chẩn đoán, phân tích và phát hiện các tổn thương ở võng mạc do bệnh lý đái tháo đường

Theo tài liệu của Bộ Y tế Việt Nam, hiện nước ta có tỉ lệ dân số mắc đái tháo đường là 5.42 % (2019) và 1/3 trong số đó bị tổn thương võng mạc. Trong quá trình chẩn đoán các bệnh lý về mắt, phần lớn dựa vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng nên còn gặp tương đối nhiều khó khăn…

Vì vậy, nhóm LQD-DeepDR gồm bốn thành viên đến từ THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị đã nghiên cứu ứng dụng Deep Learning vào quá trình chẩn đoán, phân tích và phát hiện các tổn thương ở võng mạc do bệnh lý đái tháo đường.

Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu hệ thống trên các loại bệnh khác giúp việc chẩn đoán và dự đoán mức độ tổn thương do các yếu tố đặc trưng của bệnh một cách sớm nhất, góp phần hỗ trợ bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

3/ Hệ thống cảnh báo ngã và hỗ trợ người cao tuổi

Theo số liệu của tổng cục thống kê và tổ chức y tế thế giới (WHO). Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% những người sống sót là bình phục hoàn toàn. Điều đáng lo ngại hơn là số ca đột quỵ tăng lên khoảng 2% trong vòng 3 năm và ngày càng có xu hướng “trẻ hóa”. Việc ngã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi nếu không được thông báo và hỗ trợ kịp thời của người khác. Với những trăn trở đó, nhóm DTLQD gồm hai học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) chọn đề tài “Hệ thống cảnh báo ngã và hỗ trợ người cao tuổi”.

Nghiên cứu tạo ra hệ thống có khả năng nhận dạng được người bị ngã, hỗ trợ người cao tuổi; cải thiện độ ổn định, chính xác của hệ thống nhận dạng và phát triển thuật toán tính toán các giá trị vận tốc, gia tốc của đối tượng bị ngã.

4/ Mô Hình hệ thống nhà kính tự động

Hiện nay do điều kiện thời tiết mà cây trồng thường có năng suất và chất lượng kém. Từ đó nhiều giải pháp được đưa ra: nhà kính hay nhà kính tự động; sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích,… Nhưng những giải pháp trên cũng đem lại các vấn đề cho con người và môi trường như hiệu ứng nhà kính, ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm đất,.. Sản phẩm do tác giả Trần Quốc Hùng (THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị) nghiên cứu và phát triển nhằm đem lại nguồn sản phẩm cây trồng có năng suất, chất lượng cao và sạch; xử lý vấn đề hiệu ứng nhà kính khi trồng cây trong nhà kính; đồng thời tối ưu chi phí cho người nông dân.

5/ Sử dụng dòng chip ARM để phát triển hệ điều hành máy CNC thay thế cho máy tính chạy Windows 

Với mục đích tạo ra bộ điều khiển máy CNC plasma giá thành rẻ chất lượng tốt và bộ điều khiển chung cho các máy CNC dựa trên một hệ điều hành chung và các phần mở rộng do người sử dụng tự lập trình để tương thích với các máy chuyên dụng khác nhau, tác giả Tưởng Anh Vũ (Công ty TNHH Davics) nghiên cứu ứng Chip xử lý  “STM32 H750 ” thay thế cho CPU máy tính cũng như cổng giao tiếp LPT/RS232 của mainboard với các thiết bị phần cứng ngoại vi. Tác giả cũng nghiên cứu thuật toán điều khiển thông minh cho tác vụ tạo gia tốc máy, thuật toán PID cho ổn định chiều cao bép cắt. Phạm vi của đề tài là chương trình điều khiển máy CNC plasma, từ đó tiến tới áp sử dụng chung cho các hệ máy CNC khác.

6/ Máy bay phun thuốc trừ sâu 

Hiện nay, người nông dân Quảng Trị chủ yếu vẫn đang sử dụng bình phun thuốc thủ công, bình bơm điện. Mặt khác, các máy bay phun thuốc trừ sâu được bán trên thị trường với giá thành khá cao và cách sử dụng phức tạp…. Chính vì vậy, nhóm Hoàng Kim (THPT Thị xã Quảng Trị quyết định chế tạo máy bay phun thuốc trừ sâu từ những vật liệu thông thường sẵn có trên thị trường; đồng thời nâng cấp phần điện và phần công suất của máy bơm… nhằm cung cấp cho người nông dân một sản phẩm hữu ích, giảm thiểu tối đa độc hại với giá thành thấp, tiện, gọn, dễ dùng.

7/ Website Call Video 

Ứng dụng website call video của tác giả Lê Phước Nguyên (THPT Gio Linh, Quảng Trị) là sự phát triển vượt trội của cơ sở hạ tầng mạng, giúp những cuộc gọi của bạn được hỗ trợ cả hình ảnh và âm thanh cùng lúc. Nó cho phép người gọi ở hai đầu dây có thể nhìn thấy nhau trong lúc trò chuyện trực tiếp với nhau qua màn hình điện thoại, cuộc gọi trở nên sinh động hơn thông qua biểu cảm của hai bên. Đặc biệt, cho phép chia sẻ màn hình trong khi gọi.

8/ Ứng dụng an toàn bom mìn – Mines Shield

Theo số liệu thống kê, Quảng Trị đứng đầu về số lượng nạn nhân do bom mìn, vật nổ với tổng cộng 1813 người chết và bị thương (từ 1975 đến nay). Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những sự việc đau lòng này đó là việc Tìm, buôn bán phế liệu, Chơi/Đùa nghịch, tiếp đến là do Chăn nuôi và trồng trọt. Đây đều là những điều hoàn toàn có thể phòng tránh nếu có biện pháp giáo dục thích hợp ở địa phương.

Xuất phát từ đó nhóm LQD – QHShield gồm hai học sinh đến từ THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị đã đưa ra ý tưởng xây dựng công cụ nhằm bước đầu giúp người dân có các thông tin về ô nhiễm bom mìn khu vực huyện Triệu Phong qua đề tài Ứng dụng an toàn bom mìn – Mines Shield.

9/ Mô hình xây dựng nông trại 4.0

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng cho người nông dân, tác giả Lê Đức Cường nghiên cứu và phát triển mô hình nông trại 4.0 – mô hình trồng rau xà lách thông minh thông qua hệ thống điều khiển từ xa (điện thoại thông minh) để theo dõi các thông số như nồng độ chất dinh dưỡng, độ ẩm, nhiệt độ đất được. Bên cạnh đó, tác giả cũng tạo ra một trang web phục vụ truy xuất nguồn gốc cây giống, cung cấp thông tin về quy trình sản xuất, các loại sâu bệnh hại, biện pháp phòng trừ,… cho người dùng.

Được biết, tại lễ chung kết IG 2021 diễn ra vào ngày 21/08/2021, các nhóm sẽ thuyết trình sản phẩm trước hội đồng Ban giám khảo bao gồm các Giáo sư, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Bên cạnh giải ý tưởng xuất sắc, cuộc thi còn trao các giải nhì, giải ba, giải ứng dụng nông nghiệp, ứng dụng giáo dục… cho các đề tài trên.